Rodolphe Töpffer (1798-1846), tác giả người Thụy Sĩ nói tiếng Pháp, được biết đến là “nhà phát minh” truyện tranh vào thế kỉ 19. Ban đầu, truyện tranh chưa được đón nhận ngay và thường xuất hiện dưới hình thức tập sách tranh (album) dành người lớn hoặc trên một vài trang trong các tờ báo châm biếm. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, một trường học của Bỉ đã tiên phong trong việc xuất bản truyện tranh với hình thức định kì hai ấn phẩm một tuần về Tintin và Spirou.
Từ cuối thập niên 1960, truyện tranh Pháp đã trải qua một bước ngoặt quan trọng với nhiều tác phẩm sáng tạo độc đáo. Hiện nay, tại Pháp truyện tranh được công nhận là "nghệ thuật thứ chín" với một truyền thống lâu đời và phong phú. Truyện tranh Pháp rất đa dạng, với nhiều phong cách, thể loại và cách tiếp cận khác nhau (comics, manga, tiểu thuyết đồ họa, truyện tranh Pháp-Bỉ...), được đông đảo công chúng yêu thích, đặc biệt là giới trẻ. Được đánh dấu bởi những tài năng mới nổi và các tác phẩm sáng tạo, truyện tranh Pháp chiếm một phần ngày càng lớn trên thị trường sách ở Pháp, cũng như ở châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Các tác giả truyện tranh Pháp Bỉ đã có những ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển toàn cầu của truyện tranh, và Pháp vẫn là một trung tâm quan trọng cho sự sáng tạo nghệ thuật trong lĩnh vực này, đặc biệt nhờ vào Liên hoan Truyện tranh Angoulême, được đánh giá là một trong ba liên hoan truyện tranh lớn nhất thế giới, mỗi lần tổ chức thu hút hơn 1.500 khách mời và 200.000 người tham dự.
Tại Việt Nam, Nhà xuất bản Kim Đồng được biết đến là một trong những đơn vị đầu tiên mang thể loại truyện tranh đến với bạn đọc Việt Nam. Vào những năm 1990, bạn đọc Việt Nam lần lượt làm quen và đón nhận các bộ truyện tranh đến từ Nhật Bản như Doraemon, Dragon Ball và từ Pháp như Asterix... Truyện tranh đã trở thành một mảng sách không thể thiếu trong tủ sách của nhiều bạn đọc trẻ.